Thursday, May 24, 2012

Bầu Kiên thực sự muốn gì?

(Bee.net.vn) – Những diễn biến về vấn đề bản quyền truyền hình giữa AVG -VPF thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của bầu Kiên có thực vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và vì người hâm mộ?
Đặt ra những câu hỏi đấy là bởi, VPF từ khi thành lập chưa chứng minh được những điều mà những ông bầu khai sinh ra nó đã nói, cụ thể là cải tiến giải bóng đá vô địch quốc gia. Điều mà người ta đang thấy rõ là sự lộng quyền, vượt mặt của bầu Kiên với VFF với kiểu “vỗ mặt xưng tên” rằng: Tôi khai sinh ra VPF thì tôi có quyền làm bất cứ điều gì mà tôi muốn.
Vì sao bầu Kiên quan tâm đến bản quyền truyền hình?
Kể từ khi ra đời, VPF gây khá nhiều ồn ào! Không phải là ồn ào tốt đẹp về một mùa giải mới hấp dẫn, trong sạch, không có bạo lực mà mấy ông bầu khi thành lập VPF đã nói. Trái lại, trải qua ba vòng đấu, Super League (trước là V-League) xảy ra rất nhiều bất cập từ công tác tổ chức đến công tác trọng tài.
Đã có pháo sáng bị ném xuống khán đài và xuống cả vị trí của ban huấn luyện đối phương (trận Vicem Hải Phòng – Navibank Sài Gòn trên sân Lạch Tray). Đã có bạo lực cả trong và ngoài sân cỏ. Đã có hành hung trọng tải (trận Hà Nội T&T gặp SLNA, vòng 3 Super League). Đã có những lời phàn nàn về sự yếu kém của trọng tài điều khiển các trận đấu, rồi tình trạng nợ lương của trọng tài vẫn diễn ra. Những bất cập từ những mùa giải trước dường như chưa thấy được cải thiện.
Điều này trái hẳn với những gì mà bầu Kiên và những ông bầu sáng lập ra VPF phát biểu về sự ra đời của VPF. Mới có ba vòng đấu mà bạo lực đã diễn ra, không biết khi kết thúc 26 vòng đấu, những bất cập tồn tại từ những mùa giải trước sẽ như thế nào? VPF có thể giải thích rằng, muốn có một mùa giải sạch thì cần sự hợp tác của nhiều bên. Điều đó có thể đúng nhưng có một việc rõ ràng đang diễn ra là VPF đang mất quá nhiều thời gian để tranh cãi về bản quyền truyền hình mà lơ là công tác tổ chức mùa giải mới.
Về vấn đề bản quyền truyền hình, bầu Kiên và một số thành viên VPF đang vẽ nên một bức tranh sáng nếu VPF được nắm bản quyền này. Vì cố lấy bằng được miếng bánh bản quyền mà ông Kiên viện dẫn ra những lý do để quy bản hợp đồng giữa AVG và VFF có sai phạm để “đòi lại công bằng cho bóng đá VN”. Phía VPF đưa ra những luận điểm nào là VFF chưa xin ý kiến các CLB, nào là vi phạm Luật Báo chí khi VFF ký với AVG mà AVG chưa có giấy phép hoạt động truyền hình. Hai lý do này thời gian qua đã được các bên liên quan và các luật sư am hiểu luật pháp lý giải. VFF ký hợp đồng bản quyền truyền hình khi đã xin ý kiến của các CLB và đã thông qua tại đại hội Ban chấp hành VFF. VFF cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL và đã được Bộ đồng ý. Còn việc quy AVG vi phạm Luật Báo chí thì những người am hiểu luật sẽ cười tủm ông bầu này chưa rành luật. Ông Kiên không biết là giấy phép hoạt động truyền hình và bản quyền truyền hình là hai điều khác nhau. Năm 2006, FPT đã mua được bản quyền truyền hình World Cup và đã bán lại cho các Đài truyền hình trong nước.
Với lý do “vì sự phát triển của bóng đá VN”, nhằm phục vụ người hâm mộ, ông Kiên đã kéo được khá đông dư luận về phía mình trong vụ bản quyền truyền hình nóng bỏng thời gian qua bởi người hâm mộ đã chán ngán với những yếu kém của VFF. Tuy nhiên, trong cuộc chiến bản quyền truyền hình này, ông Kiên không biết hay cố tình không biết ở mùa giải trước khi AVG có bản quyền truyền hình V-League, số trận đấu được tường thuật đã tăng lên khá nhiều. Điều đó chẳng phải đã mang lại lợi ích cho người hâm mộ hay sao? Thống kê cho thấy, mùa bóng 2011, đã có tổng cộng 345 các trận đấu được truyền hình trực tiếp, tăng 133% so với năm 2010. Sang mùa bóng 2012, AVG chia sẻ sóng miễn phí cho các đài truyền hình thông sóng với AVG. Ai cũng thấy đây là sự tiến bộ đi lên trong việc truyền hình ảnh của giải vô địch quốc gia tới khán giả truyền hình, trừ bầu Kiên.
Nếu ông Kiên làm bóng đá thực sự vì muốn bóng đá VN phát triển, thực sự muốn phục vụ người hâm mộ thì chắc đã không có những việc làm không đúng mực như thời gian qua. Việc ông Kiên tuyên bố sai lệch chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bản quyền khi tự ý cho phép các đài vào sân tự do ghi hình mà không cần hỏi ý kiến của AVG – đơn vị đang nắm bản quyền hợp pháp – là hành động coi thường pháp luật. Tuyên bố này của ông Kiên cộng với công văn số 40 mà VPF gửi các Đài truyền hình về việc cho phép các đài ghi hình, tường thuật cũng gián tiếp vô hiệu hóa công văn của Bộ VH-TT và DL chỉ đạo giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình trước đây. Với VFF, không cần nói, người ta đã thấy, tổ chức cao nhất của bóng đá Việt Nam đã bị VPF qua mặt.
Rõ ràng, những việc ông Kiên đang làm chưa đem lại gì cho bóng đá VN mà chỉ gây nên sự rối loạn trong một nền bóng đá vẫn tồn tại nhiều bất cập. Người ta đang hỏi không biết ông Kiên thực sự muốn gì khi cố ăn thua chuyện bản quyền truyền hình với AVG. Ông Kiên là một doanh nhân làm kinh tế nên nhiều người cho rằng, lợi nhuận kinh tế có thể sẽ là cái đích cuối cùng mà ông bầu này muốn đạt được. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Kiên muốn nắm bản quyền truyền hình bóng đá để “đón trước” đề án cá cược thể thao mà các cơ quan chức năng đang nghiên cứu – cái đề án mà nếu được đưa vào thực tiễn thì với tư cách “3 trong 1”: vừa là ông bầu, vừa là nhà điều hành giải đấu, vừa là người nắm giữ bản quyền truyền hình, một số vị lãnh đạo VPF có nhiều cơ hội thu bội tiền (?).
Đức Nhân

0 comments:

Post a Comment