Thursday, May 24, 2012

“Các bên cần tôn trọng hợp đồng giữa VFF và AVG”

(Bee.net.vn) – Vừa qua dư luận nêu một số nghi vấn liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty AVG. Những ý kiến nêu vấn đề này có hợp lý không? Bee.net.vn trao đổi với Luật sư Trần Vũ Hải xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trần Vũ Hải
Thưa ông, theo ông thì VFF có bán rẻ thương quyền cho AVG không?
Theo như ông Nguyễn Lân Trung (Phó Chủ tịch VFF) trước khi ký HĐ VFF-AVG, năm 2010 VFF chỉ bán được bản quyền truyền hình với giá trị khoảng 3,9 tỷ đồng. Năm 2011, sau khi ký hợp đồng này, AVG đã thanh toán 6 tỷ đồng (tăng gấp 1,5 lần so với trước)
Theo như VFF và AVG thông báo ngoài việc tăng luỹ tiến số tiền 10% hàng năm, AVG còn chia 20% lợi nhuận từ việc kinh doanh của AVG liên quan đến thương quyền này hàng năm cho VFF.
Như vậy được hiểu là VFF và AVG đang cùng khai thác thương quyền truyền hình và VFF không bị thiệt thòi gì trong hợp đồng này.
Thời hạn của hợp đồng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, vì 20 năm là khoảng thời gian dài, trong khi nhiệm kỳ của Ban chấp hành VFF chỉ là 4 năm?
Luật pháp Việt Nam và Điều lệ VFF không hạn chế thời hạn hợp đồng về chuyển nhượng thương quyền, có nghĩa thời hạn này theo sự thỏa thuận của lãnh đạo VFF và AVG. Thực tế AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) đã ký thỏa thuận độc quyền thương mại với WSG với thời hạn lên tới 20 năm (1993-2013) và năm 2009 đã gia hạn thỏa thuận này tới năm 2020.
Sau khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời, thì họ cho rằng họ là chủ sở hữu giải Super League, đương nhiên là chủ sở hữu bản quyền truyền hình liên quan đến giải này. Vì vậy nên VPF không cần kế thừa HĐ VFF-AVG?
Theo Luật Thể dục thể thao (Điều 52 khoản 1, Điều 53 khoản 2, Điều 71 khoản 7) và Điều lệ của VFF (Điều 4 khoản 14, Điều 72 khoản 1, Điều 75), VFF là cơ quan tổ chức, quản lý Giải vô địch bóng đá Quốc gia, giải bóng đá chuyên nghiệp khác và là chủ sở hữu các quyền phát sinh từ các giải đấu đó (trong đó có quyền ghi hình, truyền hình,…). VPF không phải là chủ sở hữu Giải vô địch bóng đá Quốc gia (hiện mang tên Super League), chỉ là đơn vị được VFF ủy quyền để tổ chức, điều hành, khai thác các quyền thương mại của các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc VFF. Do đó, đương nhiên VPF có trách nhiệm kế thừa các hợp đồng mà VFF đã ký kết và đang có hiệu lực liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có HĐ VFF-AVG. VPF cho rằng mình là chủ sở hữu giải Super League là phủ nhận vị trí pháp lý của VFF đã được Luật Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) công nhận, có thể sẽ bị đánh giá là tổ chức ly khai khỏi VFF.
Quay trở lại thời điểm ký hợp đồng, VFF đã không hỏi ý kiến và nhận sự ủy quyền của các Câu lạc bộ chuyên nghiệp (CLBCN). Liệu hợp đồng có bị vô hiệu vì điều này?
Theo Điều lệ của VFF, được các thành viên trong đó có các CLBCN thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ Việt Nam phê duyệt ngày 19/3/2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và Pháp luật Việt Nam bảo hộ. Về bản quyền truyền hình, Điều lệ này qui định như sau:
“Điều 74. Các quyền lợi
1. VFF và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật,…
2. BCH quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền trên đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. BCH có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.”
Như vậy các qui định trên của Điều lệ VFF đã khẳng định: các thành viên (trong đó có các CLBCN) thông qua Điều lệ giao quyền cho Ban chấp hành (BCH) quyền quyết định về bản quyền truyền hình của các giải đấu (bao gồm cả giải bóng đá chuyên nghiệp). BCH VFF đã quyết định hợp tác với AVG về bản quyền truyền hình. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội thường niên của VFF năm 2010 đã chấp thuận hợp tác về bản quyền với AVG. Đại diện các CLBCN là thành viên của VFF, đương nhiên có quyền tham dự Đại hội thường niên của VFF, đã tham gia thông qua Nghị quyết này. Nếu các CLBCN có ý kiến phản đối thì có quyền gửi văn bản khiếu nại đến VFF theo đúng quy định. Nhưng không có bất kỳ văn bản khiếu nại nào gửi đến VFF theo đúng qui định của VFF. Như vậy lập luận các CLBCN không ủy quyền cho VFF là không chính xác, vì với việc thông qua Điều lệ của VFF, các CLBCN đã ủy quyền cho BCH VFF quyết định về vấn đề bản quyền truyền hình.
Thực tế các qui định của FIFA, AFC đều giao cho BCH các Liên đoàn này quyết định các vấn đề liên quan để trao quyền thương mại, mà không cần hỏi ý kiến các thành viên (Liên đoàn bóng đá từng quốc gia). VFF không thể nại ra rằng do chưa được hỏi ý kiến để hủy các hợp đồng do FIFA hoặc AFC đã ký với các đối tác.
Số trận đấu được truyền hình trực tiếp ngày càng tăng sau khi VFF ký HĐ với AVG
Một số ý kiến cho rằng VFF đã vi phạm các luật như Luật đấu thầu và Luật cạnh tranh khi ký hợp đồng này. Ý kiến của ông thì sao?
Việc VFF chuyển nhượng thương quyền cho AVG không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu (qui định tại Điều 1 và Điều 2 của Luật này), nên VFF không thể vi phạm Luật đấu thầu.
Hợp đồng này cũng không vi phạm điều khoản nào của Luật cạnh tranh. AVG là đơn vị mua thương quyền của VFF, khai thác, sử dụng và bán lại thương quyền này. Thực tế các đài truyền hình lớn như VTV, VTC đều có thể mua quyền phát sóng sạch, các đài địa phương có thể được phát sóng miễn phí.
Còn một điều nữa đó là việc AVG chưa được cấp giấy phép sản xuất chương trình truyền hình nên HĐ VFF-AVG có thể bị vô hiệu. Điều này có đúng không?
Thực tế, AVG đã được cấp đăng ký kinh doanh ngành nghề: Hoạt động sản xuất chương trình truyền hình, Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu (chi tiết: mua bán, nhận chuyển nhượng bản quyền các chương trình khoa học kỹ thuật, sự kiện trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, ca nhạc).
Như vậy họ có đủ điều kiện để mua bán và khai thác bản quyền truyền hình, họ có thể tự sản xuất hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác sản xuất chương trình truyền hình.
Mùa giải năm 2011, sự hợp tác giữa VFF và AVG đã diễn ra suôn sẻ. Hợp đồng giữa VFF và AVG được pháp luật Việt Nam bảo hộ, các bên liên quan cần tôn trọng.
Xin cảm ơn Luật sư!
Thanh Hải

0 comments:

Post a Comment