Thursday, May 24, 2012

Muốn có nền bóng đá lành mạnh, phải thực hiện đúng luật

(Báo Nhân Dân) – Trong thể thao và ngay cả các trò chơi khi đã tham gia phải thực hiện nghiêm túc theo luật chơi và dần dần hoàn thiện nó. Là một môn thể thao liên quan nhiều về kinh tế, bóng đá lại càng phải tuân thủ theo pháp luật trong quản lý và tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, thời gian qua, đã và đang nổi cộm nhiều vấn đề, trong đó thu hút sự quan tâm của dư luận là việc tranh chấp bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Diễn biến sự việc
Bản quyền truyền hình bóng đá tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) chưa ra đời, mọi chuyện tổ chức các giải thi đấu bóng đá đều do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thực hiện. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, VFF đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Truyền thông – Viễn thông An Viên (AVG). Thực tế lúc đó ý tưởng về thành lập VPF chưa hề có với VFF cũng như dư luận.
Sau một thời gian chuyển đổi sang hướng chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn gần như giậm chân tại chỗ và đầy rẫy các vụ việc tiêu cực khiến người hâm mộ cả nước và dư luận chán nản. Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp giữa VFF và AVG đã ra đời trong lúc ấy. Nhìn lại chúng ta thấy, khi đó, VFF đang bị công luận mổ xẻ quá nhiều nên đã quyết định báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng cục Thể dục – Thể thao và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chủ trương chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải bóng đá với giá chuyển nhượng và thời gian chuyển nhượng cụ thể cho AVG. Từ báo cáo và đề xuất của VFF, chủ trương này đã nhận được sự đồng ý của cơ quan chủ quản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày 6-12-2011, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) ra đời với các ý tưởng đề ra khá tốt đẹp. Tuy nhiên, khi chưa kịp có những động thái cần thiết để môn thể thao “vua” thật sự là thể thao “vua” chứ không phải là trò chơi của những bạo hành trên sân cỏ, của những vụ án bán độ và nghi án bán độ, VPF đã vội vã làm dư luận sôi lên với cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá do VFF ký với AVG mà nhiều người gọi là một vụ “lật kèo” ngoạn mục. Ngày 29-12-2011, VPF chính thức tuyên chiến bằng việc “cho phép Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) và các đơn vị truyền hình trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá” của các giải: Ngoại hạng quốc gia, hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia, Siêu Cup quốc gia từ năm 2012. Sau động thái này, ba “ông” VFF, VPF và AVG liên tục lên tiếng về bản quyền truyền hình bóng đá và xem ra VPF bức xúc nhất, trong khi VFF ngượng ngập và xấu hổ với đối tác, còn AVG thì quá tự tin: trình tự đàm phán, đối tác đã báo cáo cơ quan chủ quản, nội dung chuyển nhượng bản quyền, v.v đều phù hợp pháp luật.
Ngày 4-1-2012, thay vì gửi đơn tranh chấp đến tòa án để chờ tài phán thì VPF gửi công văn đến ba bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp và Thông tin – Truyền thông. Trước đó, ngày 3-1, AVG cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng nói trên nhằm có thông tin khách quan và chính xác cung cấp cho công luận. Sau đó, ngày 9-1-2012. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định thành lập Ðoàn thanh tra và tổ chức thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền VFF và AVG.
Sau khi Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các Ðài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, rất vội vàng, thông tin chỉ đạo này đã được lãnh đạo VPF hiểu khác đi và ngay lập tức Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá giữa VFF và AVG bị “lật kèo” bằng hành động VPF “cho phép” ngay các đài truyền hình khác vào sân để truyền hình trực tiếp những trận bóng đá mới nhất của vòng ba Giải Super League 2012. Với hành động này, nếu được thực hiện thì đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình là AVG đã bị “cướp trắng” bản quyền ngay trên tay.
Nhận định dưới góc nhìn pháp luật
Theo nguyên tắc, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội chỉ được thực hiện các hành vi mà pháp luật cho phép và thực hiện các hành vi đó theo một trình tự pháp luật quy định, nhưng chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa VPF và AVG không được thực hiện bằng nguyên tắc nói trên.
Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa VFF và AVG thực tế đã bị vi phạm bằng một hành vi cố ý làm trái, vi phạm pháp luật của một số người. Ðó là hành vi xâm phạm hoạt động kinh tế bình thường bằng một hành vi cố ý làm trái. Sự tranh chấp này càng nóng thì VFF càng nhọc lòng bởi như có người đã ví von “VFF giống như hạt thóc nằm giữa hai thớt cối xay, thớt nào quay thì hạt thóc cũng trật vỏể. VFF vừa phải chống đỡ với Công ty VPF mà VFF cũng là một sáng lập viên và là nhà đầu tư chiến lược của VPF, vừa phải chống đỡ với đối tác AVG, nếu đối tác khởi kiện. Chính vì vậy, dư luận cho rằng, VFF nên chủ động hành động đúng luật chứ cứ bị động theo kiểu hai tay trong tư thế “đứng làm hàng rào chịu phạt” thì mãi mãi là nghi can.
Trong khi đó, AVG được mô tả như người mua buôn, bán lẻ sẽ chịu rủi ro mang tính đô-mi-nô là vi phạm hợp đồng với trên dưới một triệu khách hàng mà AVG đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Nếu tỉnh táo, nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy, đó là AVG dùng tiền của chính họ để mua bản quyền, tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Dư luận cho rằng, có một cách hành xử rất văn hóa, theo đúng pháp luật, đó là VFF và VPF cần ngồi bàn thảo với nhau để thống nhất ý chí. Và đây cũng là cách duy nhất để VPF thay đổi hợp đồng theo ý muốn (việc thay đổi hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của AVG). Sau khi VFF – VPF thống nhất ý chí thì VFF đàm phán thay đổi từng phần trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc chuyển quyền cho VPF đàm phán với AVG. VPF không mặc nhiên có quyền đàm phán kể cả khi VFF chuyển quyền mà còn phụ thuộc vào việc AVG có đồng ý chấp nhận sự chuyển quyền đó không. Trong khi tất cả những chuyện trên chưa xảy ra, các bên không ai có quyền thay đổi hợp đồng hoặc ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng.
QUANG VŨ và PHONG CƯỜNG

0 comments:

Post a Comment