Thursday, May 24, 2012

VFF có quyền ký hợp đồng 20 năm

(Dân Việt) – Ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) chia sẻ vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá giữa VFF-AVG-VPF đang “nóng bỏng” hiện nay.
Khi đón nhận thông tin VFF có kế hoạch ký hợp đồng bản quyền truyền hình thời hạn 20 năm với AVG, ông có ý kiến gì lúc đó không?
Ông Hoàng Vĩnh Giang
Quan điểm của VOC lúc đó là rất ủng hộ cách tiếp cận của AVG. Ngay tại buổi gặp mặt đầu tiên tại Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, tôi cũng đã cho biết quan điểm rằng tiền có được qua hợp đồng là rất cần cho các hoạt động của các liên đoàn, bộ môn nhưng cái cần nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, chiến sĩ, nhân dân biên cương, hải đảo phải được đảm bảo xem hoạt động TDTT, nhất là bóng đá quốc tế và trong nước.
Super League mùa 2010-2011 do AVG chủ trì theo đánh giá của tôi là rất tốt. Trong bối cảnh nhiều liên đoàn bị ế ẩm trong việc tuyên truyền quảng bá hoạt động để từ đó có thể kêu gọi tài trợ thì việc AVG xuất hiện như một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẵn sàng ký ổn định với hợp đồng đôi bên cùng có lợi là điều mới và nên ủng hộ.
Ông đánh giá thế nào về thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm. Theo ông, 20 năm có phải là quá dài không?
Việc ký 20 năm, theo tôi, không nên “quá khắt khe” vì đó là quyền mà Liên đoàn Bóng đá quốc gia sở hữu được phép làm. Tại Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mà tôi được cử tham gia cũng đang xây dựng một tiểu ban tài chính, marketing liên thông qua nhiều SEA Games nhằm mục đích khuyến khích những nhà tài trợ đầu tư dài hơi qua các kỳ SEA Games. Quan niệm một nhiệm kỳ 3-4 năm thì không có quyền ký đến 10 năm, 20 năm theo tôi là chưa phù hợp.
Thời gian qua, các bên VPF, VFF, AVG đều khẳng định bản quyền truyền hình thuộc về mình. Quan điểm của ông về những mâu thuẫn của vấn đề bản quyền truyền hình hiện nay như thế nào?
Tôi đánh giá cao quan điểm của ông Lê Hùng Dũng – Phó Chủ tịch VFF, đồng thời là Phó Chủ tịch VPF – khi trả lời về bản quyền truyền hình, cho rằng: “Bản quyền truyền hình là của VFF giống như FIFA sở hữu bản quyền truyền hình tại các giải đấu của mình, UEFA sở hữu bản quyền truyền hình của các giải Châu Âu ….”.
Theo ông, mục đích của các bên khi tranh giành chuyện bản quyền truyền hình thời gian qua là gì?
Theo như những lãnh đạo của VPF cho biết thì họ muốn khai thác bản quyền truyền hình hiệu quả sao cho các CLB có thêm kinh phí, người hâm mộ được xem một giải bóng đá trong sạch, hấp dẫn là rất đáng trân trọng. Về phía AVG, họ cũng có tâm nguyện như vậy khi mua được bản quyền truyền hình với VFF, và đã thể hiện qua nhiều hoạt động hỗ trợ thể thao Việt Nam thời gian qua.
Tôi hoàn toàn không biết giá trị hợp đồng VFF và AVG đã ký ra sao? Nhưng tôi nghĩ sẽ cao hơn với những gì mà VFF đã thu được từ việc bán bản quyền cho các đài ở những mùa trước. Có như vậy, VFF mới ký! So sánh thời điểm AVG ký với VFF lúc đó và bây giờ khác nhau rất nhiều.
Thêm nữa, VFF không phải là một đơn vị “doanh nghiệp” bình thường. Tổ chức xã hội nghề nghiệp này còn chịu những ràng buộc khắt khe theo thông lệ của AFF (Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á), AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á), nhất là Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Nếu không bình tâm vì những mục tiêu mà mình xác định để đi đến thống nhất thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cả nền bóng đá quốc gia.
Là một người hâm mộ bóng đá, tôi mong rằng các vị lãnh đạo VFF, anh Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ tịch VPF), và anh Vũ (ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch AVG), sớm có một phương án tối ưu, hợp tác để giải quyết hợp lý hợp tình, tập trung cho mục đích cải cách nền bóng đá đi lên mạnh mẽ hơn. Đó chính là điều mà những người hâm mộ BĐVN đều mong muốn có được.
Xin cảm ơn ông!
Vinh Sơn (thực hiện)
Ngày 15.01.2012, trả lời câu hỏi của phóng viên báo VnExpress về nguyên nhân khiến Ủy ban Olympic Việt Nam ủng hộ AVG hợp tác về thương truyền truyền thông với các Liên đoàn thể thao quốc gia, Ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), đã trả lời như sau:
“Trước khi có bản hợp đồng của VFF và AVG, phải nói thực, là người quản lý thể thao nhiều năm trước đây, tôi chứng kiến -với tư cách là nhân chứng lịch sử – là các hoạt động TDTT thường rất bị động trong việc tuyên truyền quảng bá thông qua phương tiện truyền hình. Những người làm thể thao thường phải đi năn nỉ các nhà đài để đưa tin, tuyên truyền và từ đó mới có thể đi xin tài trợ. Các doanh nghiệp khi đến tài trợ cho các giải thể thao cũng muốn thông qua truyền hình để quảng cáo thương hiệu, hình ảnh của mình.
Các Liên đoàn và bộ môn thường không có nhà tài trợ ổn định. Lác đác một vài VĐV ngôi sao ở một số môn mới có nhà tài trợ riêng.
Hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao cần được quảng bá kỹ thuật thi đấu, quảng bá thành công của HLV, VĐV đều xuất phát theo tùy hứng của cơ quan truyền thông. Chẳng hạn thể dục vừa thành công như thế thì có nhiều phương tiện truyền thông nhảy vào quảng bá, tài trợ cho thể dục. Ở thời điểm trước thì không có.
Thứ hai là thời điểm trước kia thể thao còn yếu kém, chưa khá như bây giờ.
Đúng lúc đó AVG ra đời và tìm tới chúng tôi đề nghị ký với 6 Liên đoàn, trong đó tất nhiên quan trọng nhất là VFF.
Cá nhân tôi từng đi mời chào bản quyền truyền hình giải vô địch wushu châu Á cách đây nhiều năm, hồi đó sang VTV gặp anh Vũ Huy Hùng là Trưởng ban Thể thao. Anh Hùng đã trả lời tôi: “Chúng tôi có bán được cáp hay hộp kỹ thuật số đâu, thì lấy đâu ra tiền trả bản quyền truyền hình cho anh. Mà theo luật báo chí, chúng tôi được vào đưa tin các giải đấu”.
Trong bối cảnh nhiều Liên đoàn bị ế ẩm trong việc tuyên truyền, quảng bá hoạt động để từ đó có thể kêu gọi tài trợ tốt hơn thì việc AVG xuất hiện như một nhà đài và sẵn sàng ký ổn định các hợp đồng với mục tiêu đôi bên có lợi, thì điều đó phải nên ủng hộ chứ.”
Theo VnExpress

0 comments:

Post a Comment